Câu chuyện thương hiệu được coi là phương thức hiệu quả nhất giúp tạo ra lòng trung thành và tình cảm của khách hàng. Vượt ra khỏi tiện ích và chức năng sản phẩm, một câu chuyện thương hiệu tốt sẽ tạo ra dấu ấn riêng cùng với sự đồng cảm, yêu mến của người tiêu dùng.
Tại sao câu chuyện thương hiệu lại cần thiết?
Câu chuyện thương hiệu hay còn được gọi là Brand Story, thường kể lại một cách tinh tế lý do khơi dậy sự khởi đầu, thúc đẩy sứ mệnh và tầm nhìn thương hiệu. Tiếp theo đó là quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu theo thời gian để đáp ứng những thay đổi và nhu cầu của thị trường. Brand Story có tính chiến lược cao, ngắn gọn và truyền tải đầy đủ các yếu tố quan trọng nhất của một thương hiệu.
Bên cạnh đó, đây cũng là một công cụ mạnh mẽ giúp thương hiệu giao tiếp với khách hàng. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh con người phản ứng mạnh với những câu chuyện liên quan đến cảm xúc và hành động tích cực. Thay vì những lợi ích và chức năng khô khan của sản phẩm hay dịch vụ, người tiêu dùng có xu hướng dễ dàng tiếp nhận những câu chuyện có bố cục và tính cảm xúc hơn. Dễ dàng nhận thấy Brand Story không chỉ đem lại giá trị về mặt kết nối mà còn tạo ra cảm xúc tích cực và niềm yêu thích của khách hàng.
Không những thế, Brand Story còn được coi là giá trị bền vững nhất của thương hiệu, dù thương hiệu thay đổi hay mất đi, câu chuyện thương hiệu có thể tồn tại vĩnh viễn.
Một số câu chuyện thương hiệu nổi tiếng
Một trong những Brand Story nổi tiếng, không thể thiếu câu chuyện về một người đàn ông cùng với bạn thân của mình, sáng tạo những ý tưởng đầu tiên trong chiếc gara tại nhà riêng. Nhiều lần bị từ chối ý tưởng, đối đầu với những gã khổng lồ trong ngành công nghệ, bị đuổi khỏi chính công ty mình dày công vun đắp. Trải qua nhiều khó khăn, người đàn ông ấy quay trở lại, thay đổi hoàn toàn cách mà con người sử dụng các thiết bị di động như ngày nay.
Đó chính là câu chuyện về Apple và Steve Jobs. Câu chuyện của Apple đã giúp truyền cảm hứng và khiến nhiều người tiêu dùng đồng cảm, yêu mến thương hiệu hơn.
Tom Shoes
Vào năm 2006, khi ghé thăm Argentina, Blake Mycoskie (người sáng lập Tom Shoes) đã chứng kiến khó khăn của những trẻ em ở đây khi các bé không có giày để mang. Với mong muốn giúp đỡ những đứa bé tại Argentina, Blake đã sáng lập thương hiệu Tom Shoes. Với mỗi đôi giày được bán ra, Tom Shoes sẽ tặng một đôi giày đến trẻ em cần chúng.
Bằng cách này, Tom Shoes đã đặt thương hiệu vào vị trí chiếc cầu nối giữa người tiêu dùng và những trẻ em đang gặp khó khăn. Với mong muốn đem lại những tốt đẹp cho xã hội, Tom Shoes đã dành được sự đồng cảm và yêu mến từ người tiêu dùng.
TH True Milk
Một ví dụ khác của việc xây dựng Brand Story là TH True Milk. Thương hiệu TH True Milk ra mắt tại Việt Nam trong thời điểm có rất nhiều hãng sữa đã có tên tuổi và chỗ đứng. Với câu chuyện “sữa sạch” và sứ mệnh đem đến cho trẻ em Việt Nam những giá trị tốt nhất, TH True Milk đã tạo được lòng tin với khách hàng và khẳng định chất lượng sản phẩm của mình.
Các yếu tố tạo nên một câu chuyện thương hiệu thành công
Để tạo nên một Brand Story hấp dẫn và ấn tượng cần có sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Không chỉ đúng với thực tế, Brand Story cần được kể với cá tính riêng của thương hiệu. Vậy làm cách nào để xây dựng một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn và có chiều sâu? Hãy cùng Michia tìm hiểu các yếu tố sau nhé:
– Ý tưởng rõ ràng, đơn giản: Đây là yếu tố đầu tiên để xây dựng Brand Story. Brand Story cần được kể về chính doanh nghiệp với thông điệp đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ. Nhiều doanh nghiệp cố gắng phức tạp hóa Brand Story như thêm thắt nhiều thông tin hay chi tiết nhỏ. Điều này sẽ khiến Brand Story trở nên khó hiểu với khách hàng hoặc không thể ghi nhớ. Thương hiệu hãy chọn cho mình một ý tưởng rõ ràng và đơn giản để truyền tải thông điệp một cách tốt nhất.
– Bố cục và cao trào: Một câu chuyện có bố cục chặt chẽ, nội dung thống nhất và có tính cao trào sẽ tạo ấn tượng khi đọc. Hãy kể ra những thử thách, thậm chí thất bại mà doanh nghiệp từng gặp phải: thị trường cạnh tranh, đối thủ nặng ký… Một câu chuyện không có cao trào, kịch tính là một câu chuyện hời hợt, dễ quên. Giống như cách Apple đã làm, hãy biến Brand Story của thương hiệu trở nên kịch tính và hấp dẫn.
– Thể hiện tầm nhìn thương hiệu: Một câu chuyện thương hiệu tốt sẽ giúp khách hàng hiểu được doanh nghiệp đang kinh doanh lĩnh vực gì, mang đến giá trị gì. Ngoài ra, câu chuyện về thương hiệu cần làm rõ được định hướng và sứ mệnh thương hiệu để tạo ra chiều sâu và giá trị thương hiệu.
– Gắn kết với khách hàng: Câu chuyện kể về thương hiệu cần phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Bên cạnh việc truyền cảm hứng, sự hài hước hay cung cấp thông tin, khách hàng cần cảm thấy gắn kết với Brand Story đưa ra. Gần gũi thôi chưa đủ, câu chuyện thương hiệu phải chạm tới cảm xúc và khiến khán giả đồng cảm với hành trình của thương hiệu. Đây là mục đích cao nhất của Brand Story. Lòng yêu mến sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi hành vi, tạo ra lòng trung thành của khách hàng.
Giống như trong sách hay phim ảnh, khi thương hiệu có những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, khách hàng sẽ ghi nhớ, yêu thích và trung thành thương hiệu. Trên đây là những gợi ý từ Michia để xây dựng một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn và ấn tượng, nếu doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về Brand Story, hãy liên hệ Michia để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất cho thương hiệu, doanh nghiệp để tạo ra dấu ấn sâu đậm trên thị trường.