,Đầu tư vào các giải đấu golf đang là cách mà các thương hiệu lớn lựa chọn để phủ sóng hình ảnh và tên tuổi của mình.
Golf – Bộ môn được nhiều người yêu thích
Không tự nhiên mà Golf trở thành bộ môn được nhiều người yêu thích đến vậy. Golf được coi là môn thể thao quý tộc với các khoản chi phí được tính theo đôla. Phí chơi golf được chia làm 3 loại:
- Đối với hội viên (member) mức phí dao động khoảng 15-27 đôla cho mỗi lần chơi.
- Khách mời của hội viên (member guest) phải trả giá cao hơn, khoảng 60-80 đôla.
- Phí cho khách vãng lai (visitor) là cao nhất, lên tới trên dưới 100 đôla.
Để sở hữu một chiếc thẻ hội viên trên thị trường hiện nay, golfer phải trả tới 30.000 USD – 130.000 USD tùy sân. Các thẻ có thể mua đi bán lại tùy theo mức thỏa thuận. Mỗi năm, phí thường niên của nhiều sân dao động khoảng trên dưới 1.000 USD đến khoảng 2.000 USD.
Ngày nay, việc đầu tư hay tài trợ vào các sự kiện thể thao đang là xu hướng, là lựa chọn hàng đầu trong chiến lược marketing của các nhãn hàng lớn trên thế giới. Với hàng triệu người theo dõi cùng một thời điểm ở các trận đấu bóng đá, bóng rổ, quần vợt… đây có thể coi là con đường ngắn nhất giúp các nhãn hàng phủ sóng tên tuổi tới với tập khách hàng tiềm năng. Và golf cũng không nằm ngoài xu thế đó!
Theo thống kê, trong vòng 30 năm, thu nhập bình quân của các golfer thi đấu trên PGA Tour đã tăng 1 triệu USD, từ 146,780 USD (1991) lên thành 1,485,055 USD (2021). Con số này chắc chắn sẽ lớn hơn vào mùa giải 2022 khi tổng số tiền thưởng của cả hệ thống tăng lên 427 triệu USD, tương đương với mỗi giải sẽ tăng 1 triệu tiền thưởng. Điều này tới từ việc PGA Tour đã nhận được sự đầu tư tới từ hơn 45 thương hiệu lớn trên Thế giới trong hơn 30 năm vừa qua. Trong đó, đặc biệt phải kể tới những gói tài trợ lớn lên tới hàng chục triệu USD/mùa từ những công ty toàn cầu như FedEx, Rolex, BMW, Mastercard,…
Hãng giao nhận kho vận FedEx đang là 1 trong những nhà tài trợ lớn nhất cho golf.
Không chỉ riêng PGA Tour, các hệ thống giải đấu khác cũng gia tăng đáng kể tiền thưởng nhờ nhận được những gói tài trợ lớn tới từ các nhà tài trợ. Điển hình như DP World Tour (trước đây là European Tour) khi tổng quỹ thưởng trong mùa giải 2022 tăng gấp đôi so với năm trước đó lên 200 triệu USD, sau khi nhận được sự đầu tư dài hạn của công ty Logistics nổi tiếng của UAE – DP World. LPGA Tour cũng tăng quỹ thưởng lên 86 triệu USD trong năm 2022, Asian Tour lại được hậu thuẫn bởi LIV Investment Golf – Quỹ tài chính Ả Rập với tham vọng lật đổ sự thống trị của PGA Tour. Điều này một lần nữa cho thấy các giải đấu golf đang dần trở thành một miếng bánh lớn mà mọi thương hiệu đều muốn làm chủ.
Vì sao các thương hiệu lớn muốn đầu tư vào giải đấu golf?
Khác với các môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,… quãng thời gian diễn ra một vòng đấu hay một giải đấu golf thường dài hơn rất nhiều. Thay vì diễn ra trong vòng 90-120 phút, thì một vòng đấu golf tại các giải đấu thường kết thúc sau hơn 6 tiếng đồng hồ. Với việc diễn ra trong vòng 4 ngày thì với việc tài trợ cho giải đấu golf, các thương hiệu sẽ xuất hiện và tiếp cận tới người xem, cũng chính là những khách hàng tiềm năng ít nhất 24 tiếng/1 tuần. Hiếm có môn thể thao nào có thể giúp các thương hiệu phủ sóng hình ảnh của mình nhanh như golf vào thời điểm hiện tại. Đó là còn chưa kể tới việc xuất hiện trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, các video của giải đấu hay các đài truyền hình Quốc gia.
Những thương hiệu lớn như Rolex, BMW luôn xuất hiện trong các sự kiện golf.
Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất để các thương hiệu lớn quyết định đầu tư vào golf là việc họ muốn tấn công vào thị trường lớn nhất Thế giới – Mỹ. Chúng ta đều biết PGA Tour hiện đang là hệ thống giải đấu số 1 Thế giới và phần lớn các sự kiện đều được tổ chức tại Hoa Kỳ. Với 50 giải đấu diễn ra trong năm trên khắp các thành phố lớn của nước Mỹ, thì golf thể coi là “kênh quảng cáo” không thể hữu hiệu hơn đối với các thương hiệu khi muốn phủ sóng tên tuổi tại thị trường số 1 thế giới. Theo thống kê của PGA Tour, 69% người hâm mộ theo dõi giải đấu quyết định dùng thử sản phẩm của các nhãn hàng được quảng cáo. 62% khán giả giới thiệu sản phẩm cho những người thân quen của mình.
Chính vì thế, những năm vừa qua, các nhãn hàng lớn đều đổ tiền vào các giải đấu của PGA Tour. Điển hình cho thành công khi tài trợ vào golf phải kể tới công ty chuyển phát nhanh FedEx. Đồng hành với PGA Tour từ năm 1986, hàng năm FedEx vẫn rót hàng chục triệu USD để tài trợ cho hệ thống giải đấu số 1 Thế giới. Đổi lại, hình ảnh của công ty được xuất hiện trên mọi giải đấu thuộc PGA Tour và tiếp cận tới hàng triệu người xem.
Để rồi, dù sinh sau đẻ muộn so với các đối thủ như UPS hay DHL, FedEx vẫn nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và trở thành hãng vận chuyển số 1 tại Mỹ cũng như trên toàn Thế giới. Chính vì điều này mà FedEx không ngần ngại cam kết đầu tư 650 triệu USD để tiếp tục gắn bó với PGA Tour cho tới năm 2027.
Những thương hiệu lớn như Rolex, BMW luôn xuất hiện trong các sự kiện golf.
Sự thành công của FedEx khi đầu tư vào các giải đấu golf chính là tiền đề để các thương hiệu lớn như Rolex, BMW, Rocket Mortgage,… nhảy vào cuộc chơi này. Có thể nói mối liên kết giữa các nhãn hàng với các giải đấu golf là sự hợp tác mà đôi bên cùng có lợi. Với các nhà tài trợ việc phủ sóng và tiếp cận được tới hàng triệu khách hàng qua các giải đấu golf giúp việc kinh doanh của họ ngày một tăng trưởng. Còn với các giải đấu, việc tăng tiền thưởng sẽ thu hút các golfer hàng đầu Thế giới tham dự. Điều này khiến cho golf ngày một phát triển và trở thành một trong những môn thể thao hấp dẫn nhất thế giới.
Nguồn: Tài trợ giải đấu golf – Miếng bánh ngon dành cho các thương hiệu lớn