Truyền thông thị giác – Kích thích người dùng

06.07.2023

Khi người tiêu dùng ngày càng bị vây quanh bởi quá nhiều thông tin và lựa chọn, truyền thông thị giác xuất hiện ở mọi nơi, tiếp cận khách hàng ở tất cả các kênh truyền thông và tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Truyền thông thị giác là gì?

Truyền thông thị giác hay Visual Communication là phương thức sử dụng các yếu tố trực quan để “đánh thức” thị giác người xem nhằm thu hút sự chú ý của họ về những ý tưởng, thông điệp và thông tin mà thương hiệu muốn truyền tải. Đồng thời giúp gia tăng sự ghi nhớ và nhận diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Truyền thông thị giác truyền tải thông tin thông qua các yếu tố trực quan như:

  • Shape (Hình dạng)
  • Tone (Tông màu)
  • Texture (Cấu trúc)
  • Layout (Bố cục)
  • Hierarchy (Hệ thống phân cấp)
  • Color (Màu sắc)
  • Data (Dữ liệu)

Các thành phần này được biểu diễn thông qua một số định dạng quen thuộc như: Hình ảnh, gif, video, infographic, animation, hình vẽ, meme, icon, biểu đồ…

Thông qua các yếu tố thị giác, thương hiệu có thể nhanh chóng thu hút ánh mắt người tiêu dùng vào sản phẩm hoặc thông điệp muốn truyền tải. Đồng thời, các yếu tố này cũng mang lại cảm giác chân thực và khơi gợi trí tò mò cho bất kỳ ai vô tình nhìn thấy hình ảnh đó.

Cốt lõi để tạo chiến lược truyền thông thị giác thành công là lựa chọn đúng các yếu tố visual để mang lại nhiều ý nghĩa nhất cho đối tượng mục tiêu, thông qua một số chiến thuật phổ biến sau:

  • Sử dụng trực quan hóa dữ liệu (Data visualization) để biểu diễn dữ liệu một cách dễ nhìn và dễ hiểu
  • Sử dụng các hình dạng và đường kẻ để phác thảo các mối quan hệ, quy trình và luồng thông tin
  • Sử dụng icon và ký tự để làm cho thông tin dễ nhớ hơn
  • Sử dụng hình ảnh và dữ liệu để kể chuyện (Storytelling)
  • Sử dụng màu sắc để biểu thị tầm quan trọng và thu hút sự chú ý

2. Vai trò của truyền thông thị giác trong hoạt động kinh doanh

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi xem một video, 90% thông tin truyền tải về não bộ là hình ảnh và tốc độ tiếp nhận của bộ não đối với hình ảnh cũng nhanh hơn 60.000 lần so với văn bản. Ngoài ra, mọi người có xu hướng ghi nhớ 10% thông tin nghe được, 20% những gì họ đọc và 80% những gì họ nhìn/làm.

Những số liệu thống kê ấn tượng này cho thấy, truyền thông thị giác là công cụ giao tiếp hiệu quả giúp ghi nhớ thông tin tốt hơn, biến những thông điệp phức tạp trở nên dễ hiểu, thu hút sự chú ý và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng.

Vai trò của truyền thông thị giác càng trở nên có ý nghĩa khi xu hướng “sống nhanh, lướt nhanh” của người tiêu dùng ngày một phổ biến. Không chỉ mang lại nhiều điểm hữu ích cho người dùng, truyền thông thị giác còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Truyền tải thông điệp và tính cách của thương hiệu

Khả năng ghi nhớ hình ảnh trong não bộ của chúng ta luôn tốt hơn rất nhiều so với văn bản. Do đó, thay vì sử dụng chuỗi văn bản khô khan để trò chuyện với khách hàng, giải pháp truyền thông thị giác giúp biến những chủ đề nhàm chán trở nên hấp dẫn và thu hút hơn. Từ đó, thông điệp được truyền tải hiệu quả và được ghi nhớ lâu hơn.

Hơn nữa mỗi hình ảnh đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, một ý nghĩa riêng mà đôi khi câu từ khó có thể diễn tả được hết. Chẳng hạn như, sự sảng khoái của lon nước giải khát nên được diễn tả thế nào? Sản phẩm của bạn ưu việt ra sao? Hay ý tưởng sáng tạo của bạn được truyền tải vào thiết kế thế nào? Nếu chỉ dùng lời thôi thì rất khó để người xem hiểu được hết thông điệp mà bạn muốn nói đến. Muốn người xem hiểu rõ hơn về bạn, hãy cho họ hình ảnh trực quan để họ nhìn và cảm nhận về thông điệp cũng như tính cách của thương hiệu.

Nếu bạn chưa biết ngon xoắn lưỡi là như thế nào? Cùng xem quảng cáo này của Mirinda nhé.

2. Gia tăng brand love

Các ấn phẩm truyền thông thị giác chất lượng sẽ tạo nên một hình ảnh thương hiệu gắn kết, khuyến khích khách hàng tương tác thường xuyên với thương hiệu. Dần dần lòng trung thành và sự ủng hộ của khách hàng dành cho thương hiệu cũng sẽ tăng dần.

Khi khách hàng dành tình yêu cho thương hiệu, họ sẽ luôn đặt thương hiệu lên hàng đầu và ưu tiên sử dụng các sản phẩm/dịch vụ từ thương hiệu đó. Đồng thời, sẽ không ngại ngần giới thiệu thương hiệu với những người dùng khác. Vì thế những thương hiệu có được tình yêu từ khách hàng sẽ được khách hàng nhớ đến và nhắc đến nhiều hơn.

Để tăng brand love, thương hiệu cần tạo ra một chiến lược truyền thông thị giác mạnh mẽ thông qua việc sử dụng nhất quán màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh và các yếu tố thiết kế phản ánh cá tính và giá trị thương hiệu. Bằng cách đó, bạn có thể tạo ra một thương hiệu đáng nhớ và dễ nhận biết mà khách hàng sẽ yêu thích và tin tưởng.

3. Thu hút khách hàng mới và tăng chuyển đổi

Các yếu tố trực quan trong truyền thông thị giác không chỉ để minh họa cho ý tưởng, thông điệp mà còn giúp mô tả chi tiết về sản phẩm, dịch vụ để từ đó kích thích nhu cầu, thu hút ánh nhìn và khơi gợi trí tưởng tượng của người xem. Đồng thời, hình ảnh đẹp mắt, sáng tạo còn là cách giữ chân người dùng ở lại lâu hơn với thương hiệu, khuyến khích họ tương tác với bài viết và chia sẻ đến những người xung quanh. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với những khách hàng mới.

Vì vậy, sử dụng hình ảnh phù hợp giúp tạo ra ấn tượng tốt về thương hiệu và sản phẩm của công ty, từ đó khơi gợi nhu cầu và tăng doanh số bán hàng cho thương hiệu trong tương lai.

4. Gia tăng trải nghiệm khách hàng với sản phẩm/dịch vụ

Thông tin trực quan giúp khách hàng có được hình dung tốt nhất về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mà không cần dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu. Chẳng hạn như, nhìn bao bì có thể biết ngay sản phẩm bên trong hộp là gì, của hãng nào, kích thước thế nào, số lượng ra sao…

Bên cạnh đó, tốc độ truyền tải thông tin nhanh của hình ảnh giúp khách hàng tiết kiệm thời gian khi tìm hiểu về sản phẩm hay dịch vụ của bạn.

Trên đây là một số phân tích của Michia về truyền thông thị giác. Làm thế nào để vận dụng nó linh hoạt trong các chiến dịch truyền thông, liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.