Branding và Marketing là hai lĩnh vực vốn rất quen thuộc với những người làm Marketer. Tuy nhiên, vì có nhiều điểm tương đồng, Branding và Marketing gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chọn lựa và đưa ra các chiến lược truyền thông phù hợp.
Branding và Marketing là gì?
Marketing được hiểu là tổng hợp của những công cụ, quy trình và chiến lược nhằm quảng bá sản phẩm/ dịch vụ và chính doanh nghiệp. Có thể hiểu Marketing là những hành động kết nối với khách hàng và thuyết phục khách hàng mua/ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của của doanh nghiệp.
Branding là một nhánh của Marketing nhằm định hình thương hiệu. Branding trả lời cho những câu hỏi như: Doanh nghiệp là ai? Sứ mệnh và giá trị doanh nghiệp là gì? Điều gì khiến doanh nghiệp trở nên đặc biệt? Có thể coi Branding là các hoạt động xây dựng thương hiệu, xây dựng các yếu tố hình ảnh, ngôn ngữ, trải nghiệm của khách hàng để góp phần tạo nên cảm xúc của người tiêu dùng về thương hiệu.
Khác biệt về lợi ích giữa Branding và Marketing
Marketing thu hút khách hàng và tạo ra doanh thu
Dù doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực hay thị trường nào, sẽ luôn có những đối thủ cạnh tranh dù lớn hay nhỏ. Đứng trước sự cạnh tranh đó, Marketing là một giải pháp cho doanh nghiệp trong việc tạo sức ảnh hưởng và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Khi khách hàng đến với sản phẩm hay dịch vụ, Marketing có nhiệm vụ chuyển đổi hành vi của khách hàng để tạo ra doanh thu.
Tham khảo thêm:
Outbound Marketing và Inbound Marketing – Đâu là lựa chọn tối ưu cho thương hiệu?
Branding giúp tạo ra độ nhận diện và lòng trung thành khách hàng.
Branding được coi là giải pháp tốt nhất để xây dựng nhận diện thương hiệu, tạo ra những cảm xúc tích cực và lòng trung thành của người tiêu dùng. Một thương hiệu tốt sẽ tạo ấn tượng sâu sắc với người khách hàng, khiến họ yêu mến và muốn trải nghiệm các sản phẩm của thương hiệu đó. Xét về mặt lâu dài, Branding cũng sẽ mang lại doanh thu, tuy nhiên khó có thể đo lường bằng KPI thông dụng.
Theo như nhiều Marketer đánh giá, Marketing giúp thu hút khách hàng, còn Branding giữ chân khách hàng ở lại. Khi Marketing đã hấp dẫn khách hàng mục tiêu, thương hiệu cần điều gì đó đủ thuyết phục để duy trì lòng trung thành của khách hàng. Người tiêu dùng chỉ ra quyết định mua sản phẩm/ dịch vụ khi họ thật sự tin tưởng thương hiệu. Vì vậy, dù chiến dịch quảng cáo sản phẩm thành công đến đâu, doanh nghiệp vẫn cần cơ sở, nền tảng thương hiệu để kết nối với người tiêu dùng. Đây chính là lúc Branding phát huy tác dụng.
Một chiến dịch Marketing sẽ có thời gian nhất định tùy theo thị trường, giai đoạn doanh nghiệp hay nhu cầu khách hàng. Nhưng khác với Marketing, Branding là giá trị sẽ tồn tại lâu dài, thậm chí có thể coi là tồn tại vĩnh viễn (trừ khi doanh nghiệp tái định vị thương hiệu).
Khi nào doanh nghiệp nên làm Branding và khi nào nên làm Marketing?
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung cho Marketing sản phẩm và không đầu tư vào Branding nhằm tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn thay vì đầu tư lâu dài. Tuy nhiên nhiều Marketer lại cho rằng, Branding cần đi trước, Marketing sản phẩm theo sau: vì doanh nghiệp không thể quảng bá một sản phẩm chưa thành hình thương hiệu. Điều này đặt ra một bài toán cho doanh nghiệp về việc chọn lựa và tối ưu hai công cụ này.
Tuy nhiên, việc ưu tiên Branding hay Marketing sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: doanh nghiệp, thị trường, ngành hàng… Một doanh nghiệp mạnh cần kết hợp cả hai bởi chúng hỗ trợ những mục tiêu khác nhau và đem lại những kết quả khác nhau.
Với những ngành hàng mà sản phẩm có ít sự khác biệt như FMCG (hoặc khác biệt khó nhận thấy về mặt tính năng), Brand cần được đầu tư nhiều để tạo ra dấu ấn và điểm nổi bật trong tâm trí khách hàng. Ví dụ: trong ngành hàng dầu gội nữ, cùng ở một khoảng giá và gần như tương đồng về mặt chức năng, Dove đã chọn cho mình hướng đi là “Phục hồi hư tổn”, còn Sunsilk là “Tóc suôn mượt cả ngày dài”. Tương tự với các ngành hàng tiêu dùng nhanh khác, thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, với các ngành hàng như đồ điện tử hay công nghệ, doanh nghiệp nên tập trung vào sản phẩm và giá cả, rồi mới nên làm Branding. Đối với các mặt hàng điện tử hoặc phân khúc cao, người tiêu dùng sẽ cân nhắc nhiều đến tính năng, giá cả của sản phẩm trước khi nghĩ đến yếu tố thương hiệu.
Như vậy, Branding và Marketing đều là những công cụ quan trọng để doanh nghiệp phát triển và tạo được chỗ đứng trong thị trường. Doanh nghiệp cần kết hợp cả hai công cụ này cho phù hợp với mục tiêu chiến lược và giai đoạn phát triển của thương hiệu. Tùy vào mục đích kinh doanh, thương hiệu cần phân bổ đúng đắn nguồn lực và ngân sách để đem lại hiệu quả truyền thông tốt nhất.